Lễ Ramandan hay còn gọi là “tháng nhịn ăn” ở Thổ Nhĩ Kỳ của người Hồi giáo, được tổ chức vào tháng 9 theo lịch Hồi giao khi bắt đầu mùa trăng non. Như năm 2022 thì tháng nhịn ăn rơi vào từ tháng 4 – đầu tháng 5. “Tháng nhịn ăn” cũng là một trong 5 nghĩa vụ thiêng liêng mà bất cứ người đạo Hồi nào cần phải thực hiện. 5 nghĩa vụ thiêng liêng bao gồm: (1) Thờ 1 thánh duy nhất là Allah, (2) cầu nguyện 5 lần/ngày, (3) bố thí cho người nghèo, (4) nhịn ăn và cuối cùng (5) là hành hương đến Macca – nơi khởi nguồn của Hồi giáo.
Hồi giáo là cộng đồng rất lớn bao gồm hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới. Vì vậy tháng nhịn ăn cũng diễn ra tại rất nhiều nơi, nhiều quốc gia như: Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia,…chủ yếu ở vùng Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi. Trong tháng nhịn ăn, mọi người phải nhịn ăn, nhịn uống từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn (nghe cũng dã man quá, lại còn nhìn uống nữa). Mình cũng không hiểu khi người ta nhịn ăn, nhịn uống như vậy thì làm sao máu lên não để làm việc được, nhưng thực tế người Hồi giáo vẫn làm việc bình thường, chỉ là hạn chế các buổi họp hành, gặp gỡ cần giao tiếp, vận động nhiều.
Và khi mặt trời lặn thì họ đã ăn rất nhiều, giống như lò xo bị nén vậy. Và trước khi mặt trời mọc, họ cũng ăn 1 bữa no để chuẩn bị calo cho 1 ngày nhịn mới. Có 1 điều thú vị là lượng lương thực tiêu thụ trong tháng nhịn ăn cao hơn khoảng 1.5 lần so với tháng bình thường : Không biết họ có ăn nhiều hơn thường ngày hay không như họ đã làm từ thiện rất nhiều trong tháng này để thực hiện nghĩa vụ số 3 – bố thí. Khi mặt trời gần lặn, họ chuẩn bị rất nhiều suất ăn từ thiện và bày la liệt trên đường phố, tại sảnh của các thanh đường cầu nguyện để người nghèo có thể đến ăn.
Và dù đã nhịn cả ngày trời, nhìn thấy đồ ăn trước mắt chắc chắn rất thèm. Nhưng người Hồi giáo vẫn phải đứng cầu nguyện xong, mặt trời lặn hẳn mới bắt đầu ăn. Và thời gian họ căn phải chuẩn đến từng phút, có hẳn 1 web đăng tải thời gian chính xác khi mặt trời lặn và mọc: https://ramadanbuzz.com/turkey-ramadan-calendar/ Đây cũng chính là 1 trong những ý nghĩa thiêng liêng của tháng ăn chay – dạy con người ta thoát khỏi cám dỗ của tiền tài, vật chất, sống lương thiện và chuẩn mực. Mình đã từng nói chuyện với 1 số người bạn đạo Hồi sau khi hết tháng ăn chay, họ nói về nghĩa vụ này như 1 sự biết ơn với thánh Allah vì thánh đã dạy họ cách trở thành người tốt hơn, họ cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm và tinh thần minh mẫn hơn, như 1 sự refresh gột rửa hết mọi điều không hay diễn ra trong năm vừa qua. Hết tháng ăn chay, người Hồi giáo sẽ tổ chức lễ – được coi là 1 trong 2 lễ lớn nhất trong năm, mình hay gọi là lễ xả đan. Họ sẽ tổ chức những bữa tiệc lớn linh đình, mặc quần áo đẹp, xúng xính đi thăm những người thân trong gia đình, cùng ăn uống trò chuyện – nghe rất giống truyền thống Tết của người Việt mình.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong tháng nhịn ăn thì 1 số quán sẽ không mở cửa phục vụ nhưng 1 số quán chuyên phục vụ khách du lịch vẫn hoạt động bình thường, họ sẽ hỏi bạn là “Are you fasting? – Bạn có nhịn ăn không?” Mình đi Cappadocia vào đúng tháng nhịn ăn thì ôi thôi, buổi trưa đi tìm quán ăn mỏi mắt. Đi đến tận nơi 1 nhà hàng steak được đánh giá rất cao trên Trip Advior thì đến nơi, bàn ghế đã dựng chồng lên nhau từ lâu, cửa khóa chặt. Lang thang mãi mới tìm được 1 vài nhà hàng – nhưng số lượng khách cũng không nhiều. Còn ở Istanbul – trung tâm lớn hơn thì may quá quán ăn vẫn mở, vẫn đông vì ở Istanbul rất nhiều khách du lịch, bạn cứ yên tâm dù cả trong tháng nhịn ăn nhé.
Sau tháng nhịn ăn bước vào kỳ nghỉ lễ, người Thổ Nhĩ Kỳ có 1 kỳ nghỉ 7 ngày – cực kỳ giống Tết ở mình – và các phương tiện công cộng được miễn phí hoàn toàn trong 3 ngày đầu tiên – quá là tuyệt vời. Vì là miễn phí nên lượng người cũng đông đúc hơn ngày thường, mình thấy nhiều gia đình mang theo con nhỏ, ăn mặc đẹp đẽ gọn gàng trên tàu – chắc họ đang đi thăm người thân 🙂 Và dù đông nhưng cực kỳ quy củ, không có chen lấn xô đẩy chút nào. Có lẽ vì 5 nghĩa vụ thiêng liêng trên, mình cảm thấy du lịch Thổ Nhĩ Kỳ thích vô cùng vì người dân rất hiếu khách, không trộm cắp, lừa lọc nhiều như ở Pháp, Ý. Cảnh đẹp, đồ ăn và mua sắm lại rẻ nữa nên mình đi Thổ nhiều lần vẫn bị nghiện 🙂
Xem thêm:
KINH NGHIỆM DU LỊCH THỔ NHĨ KỲ TỰ TÚC A→ Z